Photobucket

Cha mẹ giao tiếp với trẻ khiếm thính như thế nào?

Thursday, May 26, 2011

| | |
Rất nhiều bậc cha mẹ của trẻ khiếm thính đều cảm thấy trong gia đình chẳng có cách nào để giao tiếp với chính đứa con của mình. Sự thực thì cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ. Một đứa trẻ khiếm thính từ tấm bé có thể thông qua ngữ điệu, qua động tác, qua thần sắc của cha mẹ để hiểu ý cha mẹ muốn gì, đồng thời cũng sẽ nhận biết được cha mẹ có âu yếm, có yêu quý chúng không; Chính bằng cách giao tiếp này mà trẻ được tiếp xúc dần dần với thế giới xung quanh. Cha mẹ chỉ cần nắm vững một số phương pháp tiếp xúc với trẻ là đã có thể thực hiện việc giao tiếp nhiều hơn, thông thuận hơn.

1.Ngồi xổm và nhìn thẳng vào bé để nói chuyện.
Đối với con trẻ gặp khó khăn về thính lực, cha mẹ cần nắm bắt cơ hội thích hợp để giao tiếp với con, nhưng cũng không nên nói liến thoắng liên tục, mà hãy cố tạo cho con trẻ cơ hội được nói. Hàng ngày cần bố trí một khoảng thời gian nhất định đứng sát vào máy trợ thính hoặc bên ốc nhĩ nói chuyện với con để rèn luyện khả năng nghe chuyên môn của con; Ngoài thời gian đó ra nên nói chuyện trực tiếp với con. Nếu con trẻ còn bé nhỏ, vị trí ngồi đứng còn thấp thì cha mẹ hãy ngồi xổm hoặc quỳ hẳn xuống nói chuyện để con trẻ nhìn thấy rõ biểu cảm trên khuôn mặt và khẩu hình môi của người nói, có vậy mới giúp con trẻ hiểu thêm ý nghĩa câu nói của bạn. Đặc biệt, không nên để con trẻ đối diện với luồng ánh sáng chói, khi nói chuyện bạn hướng về phía ánh sáng thì bé có thể nhìn trạng thái biểu cảm và động tác cử động của bạn được rõ ràng hơn.

2.Hãy giữ cho gương mặt biểu cảm thật linh hoạt và một cơ thể biết nói.
Thường thì chúng ta có những trạng thái biểu cảm khi nói, như vừa nói vừa cười hay vừa nói vừa chau mày để biểu đạt tình cảm và thái độ của chúng ta. Rất nhiều người khi nói chuyện với con trẻ đều có thêm những biểu cảm và động tác một cách tự nhiên, như vừa vẫy vẫy tay vừa nói tạm biệt, vừa nựng yêu vừa vỗ tay để động viên bé; Và những cử chỉ động tác như vậy giúp trẻ khiếm thính hiểu được lời nói của bạn. Thế nên khi nói chuyện với con trẻ, cha mẹ đừng quên hay bỏ qua những động tác tay, những động tác cơ thể, và đặc biệt cha mẹ còn cần học thêm những động tác, cử chỉ biểu đạt tình cảm sinh động của ánh mắt kết hợp với ngôn ngữ diễn cảm để truyền đạt ý nghĩa câu nói chuẩn xác nhất cho con. Trong thời kỳ đầu học ngôn ngữ, những tín hiệu này giúp con trẻ hiểu nhanh hơn hàm ý câu nói của ba mẹ, tăng cường nguyện vọng muốn biểu đạt của con trẻ, con trẻ tìm được sự hứng thú để chủ động học nói, học ngôn ngữ.

3.Điều chỉnh giọng nói cho âm vực tròn đầy, uyển chuyển dễ nghe.
Khi gọi con, âm vực có thể điều chỉnh cho to rõ nhưng không có nghĩa là hét lên. Nếu con trẻ giao tiếp với bạn trong không gian yên tĩnh thì nên dùng âm lượng và âm sắc bình thường của lời nói để trò chuyện cùng con. Khi trò chuyện thì âm điệu (cao, thấp) và tiết tấu (nhịp nhanh, chậm) cũng thay đổi theo nội dung đang nói, như vậy chúng ta cũng dễ dàng biểu đạt một cách tự nhiên mà con trẻ cũng nắm bắt theo phản xạ tự nhiên. Khi còn bé bỏng, cho dù thính lực của bé có bình thường hay không thì đều có thể hiểu ý của người nói thông qua ngữ điệu và biểu cảm của người nói. Vì vậy, cha mẹ nên học cách trao đổi ngôn ngữ với con dõng dạc, ngừng ngắt rõ ràng.

4.Để con trẻ thích thú được nói chuyện với bạn.
Cha mẹ cố gắng lựa chọn chủ đề về những mối quan hệ gần gũi với trẻ hoặc chủ đề trẻ em yêu thích để trò truyện với con, có vậy con trẻ mới dễ dàng ở trong trạng thái thả lỏng tự nhiên đón nhận sự giao tiếp của cha mẹ. Mặt khác, ngôn ngữ thông dụng trong cuộc sống thường được lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này bản thân con trẻ cũng dần được trải nghiệm qua nên dễ hiểu vấn đề. Hãy cố gắng dùng cách diễn đạt đơn giản nhất để dễ nghe hiểu, chứ đừng lý giải dài dòng phức tạp và nói liền một lèo không ngừng nghỉ. Những chủ đề mà bé thích có thể chọn để nói chuyện với trẻ. Ví dụ cùng đọc truyên tranh với con, đối với câu chuyện nào con thích thì có thể dùng một câu chuyện đó và thay đổi các cách giảng giải khác nhau lặp lại nhiều lần. Một thời gian sau phản ứng của con trẻ với ngôn ngữ sẽ khiến bạn phải kinh ngạc.

5.Hãy cố gắng học cách lắng nghe một cách kiên trì.
Giao tiếp là một cách để chia sẻ kiến thức và tình cảm, cho nên cần đến người nói và người nghe. Thường thì một người sẽ luân phiên thay đổi vai trò người nói và người nghe. Nhưng khi cần giao tiếp với trẻ khiếm thính, cha mẹ thường quên mất rằng bản thân mình cũng cần thực hiện nghĩa vụ của “người nghe”, và thường một mình độc thoại không dứt. Thực ra, tuy con trẻ không nói được bao nhiêu nhưng chúng có thể biểu đạt ý nghĩ bằng cách của riêng mình. Con trẻ rất muốn bạn kiên trì lắng nghe và động viên chúng, để con trẻ có mong muốn và tự tin khi nói chuyện. Khi nói chuyện với trẻ khiếm thính, cha mẹ phải biết chú ý lắng nghe. Khi con trẻ bắt đầu “Nói” thì phải chú ý đến con, sau đó để con nói hết “lời, ý” thì phản ứng phù hợp với ý nghĩa con trẻ vừa diễn đạt. Ví dụ khi khát nước con sẽ chỉ vào cốc và “ú ú ớ ớ” nói với bạn, bạn có thể cầm cốc lên và hỏi con: “Con muốn uống nước đúng không?” sau khi rót nước vào cốc thì có thể để đợi vài giây gây sự chú ý cho con trẻ rồi hãy nói: “Uống nước nào!”. Như vậy, con trẻ có cơ hội kết hợp sự việc và danh từ với nhau, dần dần con sẽ biết dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Chúng ta càng hiểu ý của con trẻ bao nhiêu thì con trẻ càng thích thú giao tiếp với chúng ta bấy nhiêu.
6.Dừng lại, nghỉ một xíu.
Nếu khi đang trò truyện với nhau mà con trẻ không còn chú ý tập trung nữa thì bạn nên dừng lại, đợi một chút nữa lại cuốn hút sức tập trung của con và tiếp tục. Khi cha mẹ hỏi han con trẻ một vấn đề nào đó thì sau khi hỏi xong cũng nên ngừng nghỉ một xíu để con trẻ kịp có phản ứng. Cha mẹ đừng nôn nóng cầu toàn giục gấp, lúc ấy con trẻ sẽ nảy sinh phản cảm với cha mẹ.
  
7.Động viên, khuyến khích con trẻ mô phỏng và thuật lại.
Trong khi giao tiếp, con trẻ có lúc rất hưng phấn thuật lại cho bạn một sự việc nào đó, có khi trẻ nhỏ vui vẻ cầm lên một vật gì đó rồi cộng thêm động tác, âm thanh biểu đạt thể hiện cho bạn thấy một điều gì đó. Lúc này bạn phải thật cố gắng hiểu ý con trẻ muốn biểu đạt điều gì, và nói với con phương thức biểu đạt ngôn ngữ một cách chuẩn xác nhất. Ví dụ, con trẻ muốn mô tả một con Mèo mà bé con đã gặp, bạn nên ngay lập tức nói với con danh từ tên gọi Con Mèo và động tác để con hình dung ra một con Mèo hoặc một con Mèo đẹp.

Trong tiến trình hồi phục thính lực, sức khỏe và sự phát triển cho trẻ khiếm thính, gia đình phát huy vai trò lớn nhất. Cha mẹ vận dụng đúng phương pháp giao tiếp sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và phát triển ngôn ngữ hơn. Sự tham gia giúp sức của gia đình sẽ giúp trẻ khiếm thính cảm nhận được sự quan tâm, lòng thương yêu và trẻ dễ vui vẻ và trở lên có lợi cho phát triển tính cách hoạt bát vui tươi; Đồng thời xây dựng được mối quan hệ tốt giữa con cái với cha mẹ giúp cả gia đình có được niềm vui và hạnh phúc.
Chỉ cần có tình yêu thương, có sự kiên trì nhẫn nại, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể giao tiếp được với trẻ khiếm thính, giúp đỡ trẻ khiếm thính hồi phục năng lực và hòa nhập xã hội, cộng đồng.