Photobucket

Người khiếm thính bẩm sinh tư duy như thế nào?

Saturday, May 21, 2011

| | | 2 comments

Chúng ta biết người bình thường trong quá trình tư duy suy nghĩ được tổ chức và tư duy trên cơ sở đã hiểu ngôn ngữ, nhưng đối với một người từ khi sinh ra đã không có khả năng thính lực, vậy thì trong quá trình lớn lên, trưởng thành lên khi họ suy nghĩ thì não bộ dùng phương thức nào để tư duy? Bạn cũng biết rõ là đối với người bị khuyết thính lực bẩm sinh thì gần như không có khả năng hiểu ngôn ngữ.

Những người dùng một phương thức khác đi tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì phương thức tư duy của họ cũng khác với những người dùng chung một phương thức đi tiếp xúc với thế giới, vậy thì khác ở chỗ nào? Thực ra, do thiếu đi năng lực nghe và nói, tế bào não bộ sẽ sản sinh ra một vài tế bào đặc biệt khác để hiểu sự vật, và có lúc nhóm người này họ rất thông minh, đặc biệt thông minh hơn nhóm người không khuyết năng lực nghe rất nhiều, và nguyên lý này cũng giống tương tự với người bị khiếm thị bẩm sinh.

Ngôn ngữ và tư duy của Người khiếm thính

Ngôn ngữ là sự tổng hòa của quy tắc từ vựng và ngữ pháp, là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong đó, Tư duy là sự phản ánh khách quan sự vật như đặc trưng, quy luật và mối liên hệ tương hỗ, tư duy là một tính năng đặc thù vốn có của não bộ con người.

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy là vấn đề phức tạp và có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nhưng trong giới học thuật nước ta rất nhiều người cho rằng ngôn ngữ và tư duy là thống nhất tương hỗ, có những quan điểm chính như: “Ngôn ngữ và Tư duy tồn tại song song, và được sinh ra đồng thời”, “Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, tư duy dùng ngôn ngữ để tiến hành biểu đạt”, “Tư duy được sinh ra và tồn tại trên cơ sở nguyên liệu là ngôn ngữ”..v.v. Những quan điểm trên chiếm vị trí thống trị gần như tuyệt đối trong giới học thuật nước ta, được ứng dụng và vận dụng vào nhiều ngành khoa học khác nhau như Triết học, Ngôn ngữ học, Lôgic học, Tâm lý học. Tóm lại, khi đề cập đến bất cứ lĩnh vực nào một khi hỏi đến mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ, người ta đều thường coi đó như một chân lý. Nếu vậy có thể thấy được đại bộ phận chúng ta đều cho rằng ngôn ngữ và tư duy là thống nhất, tức nếu không có ngôn ngữ thì không tồn tại tư duy, hoặc ngược lại nếu không có tư duy thì ngôn ngữ không được tiếp tục sinh ra. Vậy thì quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy đều có mối quan hệ như vậy một cách tuyệt đối? Không lẽ không có ngôn ngữ thì chắc chắn không thể tư duy? Bài viết này là những suy nghĩ rất giản lược của tôi nhằm trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa Ngôn ngữ và tư duy của người khiếm thính.

Trước khi nói về người khiếm thính, tôi muốn nói về một đối tượng đối ngược hoàn toàn với người khiếm thính về năng lực nghe, đó là nói tới những người không bị khiếm thính, hoặc những người bình thường về thính lực. Người bình thường dùng ngữ âm và ngôn ngữ tiến hành tư duy, trong quá trình tư duy cảm giác của chúng ta thường là nói thầm những điều chúng ta suy nghĩ, dùng những câu nói không âm thanh để tư duy. Người khiếm thính cũng có hoạt động tư duy, nhưng họ không có khả năng dùng ngữ âm ngôn ngữ tư duy như người bình thường, vậy cách thức để chuyển tải ngôn ngữ để tư duy của người khiếm thính như thế nào? Phải chăng là một loạt các hình ảnh và các bối cảnh liền nhau, hay là một loạt các thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu), hay là còn cách thức nào khác nữa? Sau khi người khiếm thính nắm được ngôn ngữ văn tự (chữ viết), khi phải tham gia tổ chức tư duy, liệu có phải là hàng loạt con chữ xuất hiện chạy dần ra trong bộ não? Vậy thì quá trình phát triển và chuyển tải của tư duy như thế nào?

A- Tư duy của người khiếm thính không có duyên với ngôn ngữ

Trong cuốn của Stalin (tên Tiếng Nga: Ио́сиф Виссарио́нович Ста́лин) có đưa ra một số luận điểm tương quan với vấn đề này, như: Ngôn ngữ là phục vụ cho cả xã hội, đồng thời phê phán lý luận sai lầm “ngôn ngữ là kiến trúc thượng tầng”, luận điểm này vẫn có giá trị định hướng quan trọng cho đến ngày hôm nay. Thế nhưng, khi ông luận chứng tất cả tư tưởng của con người “Chỉ có trên cơ sở của ngôn ngữ, trên cơ sở của từ và câu mới có thể sản sinh và tồn tại” thì gặp một câu hỏi khó từ những người khiếm thính: Chúng tôi những người khiếm thính thì không thể tư duy được sao?

Để tránh sự kỳ thị về nhận thức, tôi muốn xác định rõ đối tượng được đưa ra ở đây, nếu không có người sẽ nói “Người khiếm thính không biết nói nhưng biết chữ nên có năng lực ngôn ngữ” hoặc “Họ có ngôn ngữ trong, dùng ngôn ngữ bên trong để tư duy”. Đối tượng mà tôi muốn nói đến là những người khiếm thính nhỏ hơn 01 tuổi hoặc bao gồm cả những người khiếm thính bẩm sinh chưa bao giờ tham gia học tập đào tạo, có như vậy mới tách biệt được yếu tố ngôn ngữ.

Dù là vậy có người sẽ nói: “ Người khiếm thính, người câm điếc không giống người bình thường, không thể dùng họ để chứng minh cả nhân loại”. Đúng là như vậy, nếu dùng người khiếm thính không biết nói để suy ra cả nhân loại đều không biết nói thì là chuyện “hoang đường ngu xuẩn”. Thế nhưng, chúng ta thấy não bộ người bình thường không ngừng tư duy, không ngừng nhận thức thế giới, cải tạo thế giới; và não bộ người khiếm thính, câm điếc cũng vậy, họ cũng liên tục tư duy, không ngừng nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. Đầu óc của họ đâu có kém có hỏng, thần kinh cao cấp của họ hoạt động bình thường. Cho nên về mặt tư duy họ cũng chẳng khác gì người bình thường, vậy tại sao không thể lấy họ làm ví dụ để nghiên cứu và chứng minh cả thế giới tư duy khách quan của con người?

Phương thức tư duy của họ có khác biệt người bình thường một chút, ví dụ sắp xếp khái niệm có trật tự khác với bình thường. Ví dụ chúng ta nói “chúng ta không hái hoa”, họ sẽ đặt trật tự câu là “Hoa..Không..Hái”. Do họ chưa tiếp xúc được với ngôn ngữ của phần đông người bình thường nên họ không học được hình thức ngữ pháp do người bình thường đặt trật tự, họ dùng cái nhìn trực quan để biểu đạt, sắp xếp khái niệm, hình tượng. Cũng giống như tư duy của người Châu Âu có nhiều điểm rất khác tư duy của chúng ta. Nhưng xét về bản chất thì kỹ năng và chức năng vốn có của não bộ là như nhau. Do đó, tiến hành nghiên cứu tư duy của người khiếm thính, câm điếc không những có thể chứng minh tư duy của người bình thường, mà là con đường để tiếp xúc và có thể nghiên cứu và hiểu biết thêm mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.

Mẹ tôi kể trước đây ở quê tôi có một ông thầy lang cam điếc chữa xương rất giỏi, lúc mẹ biết ông đã chừng bốn mươi tuổi, ông chưa từng được đi học. Bao nhiêu năm làm nghề ông đã chữa cho không ít người gãy xương khớp, những người chữa qua ông đều không ai phiền lòng vì ông. Ông không dùng X quang, chỉ dựa vào đôi mắt quan sát, dựa vào xúc giác, rồi sờ ra mức độ tổn hại của xương. Sau đó ông phun lên một chút rươutj thuốc (có lẽ để hoạt huyết) rồi bóp, nắn để xương gãy trở về vị trí cũ, sau cùng đắp lên một lá thuốc. Thường thì từ 7-10 ngày là đã lành. Phương pháp này so với y học hiện đại cũng rất linh nghiệm.

Thày lang trên cơ sở thị giác, xúc giác đã chi phối tư duy cấp cao và tiến hành chữa bệnh. Cách phán đoán, suy diễn, phân tích của ông dựa vào cách tư duy nào? Chắc chắn não bộ của ông đã có sẵn một vật chất cao cấp và có phản ánh chính xác đối với sự vật bên ngoài (gãy xương và vị trí gãy).

Ví dụ trên nói lên một điều tư duy của người khiếm thính, câm điếc là không liên quan đến ngôn ngữ (đương nhiên ngôn ngữ ở đây là chỉ ngôn ngữ ngữ âm của người bình thường, và đối tượng câm điếc là người câm điếc bẩm sinh hoặc chưa qua đào tạo). Những người khiếm thính này sau khi nhận được sự đào tạo có thể nắm vững thủ ngữ và văn tự viết trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên, điều này khẳng định thêm tư duy của họ có năng lực trừu tượng. Vậy trong suốt quá trình này, người khiếm thính câm điếc đã đi qua các giai đoạn tư duy nào?

B- Những giai đoạn phát triển tư duy khác nhau của người khiếm thính

1. Giai đoạn tư duy hình tượng

Trong hoàn cảnh không có ngôn ngữ đi giải quyết vấn đề tư duy. Trước khi người khiếm thính nắm vững một lượng thủ ngữ phong phú, hoạt động tư duy là tư duy hình tượng. Tư duy hình tượng bao gồm cả: ấn tượng thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, ảo giác, tâm tình, cảm giác đau đớn..và trên cơ sở thiết lập những ấn tượng này tưởng tượng ra quá khứ hoặc tương lai.

Ví dụ:

- Người khiếm thính A: Tôi học và trưởng thành từ trường dành cho người khiếm thính. Trước khi nhập học tôi đã từng tiếp thu lớp học huấn luyện hồi phục ngôn ngữ nhưng khi đó tôi chưa có năng lực nhận biết, năng lực phân biệt, nhìn chung đều tưởng tượng cả chuỗi hình ảnh chạy trước mắt.

- Người khiếm thính B: Mười năm trước tôi đã từng tiếp xúc một người khiếm thính văn hóa thấp, chủ yếu khi giao tiếp với tôi đều dùng cách vẽ. Một hôm vào buổi trưa, tôi thấy bạn ấy không vui, bạn ấy vẽ ra một cái đầu người có hai gương mặt, một gương mặt tóc rẽ ngôi xinh xắn, một gương mặt xanh xao tóc tai bù xù, tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Qua cách hiểu của người bạn này nói lên điều gì?

Còn rất nhiều người bạn khiếm thính khác khi thể hiện cách tư duy của mình về hồi ức thời thơ ấu đều cảm giác những cảnh vật rất cụ thể cứ như một bộ phim quay chậm trong não phát ra từ từ. Đồng thời, do tư duy hình tượng khó giải thích được hết bản chất của sự vật hiện tượng nên một bộ phận không nhỏ người khiếm thính rất mơ hồ về những sự vật quanh mình.

2. Giai đoạn tư duy thủ ngữ

Một người khiếm thính sau khi nắm vững một lượng thủ ngữ nhất định thì công cụ tư duy đã chuyển dần sang hướng thủ ngữ.

Khi quan sát tổng hợp một học sinh khiếm thính đọc sách một cách tự chủ thì thấy rằng rất ít bạn chỉ nhẩm miệng mà không động tay, trừ khi có một số từ khó mà bản thân bạn ấy không biết cử chỉ tay biểu đạt, thế nhưng lúc ấy vẫn thấy được bờ vai bạn ấy sẽ có những cử động có tiết tấu nhịp điệu để thay cho động tác tay.

Hoặc có lần trên phố, tôi thấy một chị phụ nữ đang chỉ có một mình nhưng dùng tay lặp đi lặp lại câu chuyện quá khứ của chị. Chị là một người bị khiếm thính và tâm thần, lúc ấy chị đang tư duy lặp lại một cách có ý thức. Phương thức Tư duy của chị cũng là dùng tay để tái hiện lại. Qua các quan sát này thấy cách chuyển tải tư duy của người khiếm thính có một giai đoạn nào đó là thủ ngữ. Cho dù hình thức biểu hiện so với người có thính lực là khác nhau, nhưng tác dụng do tư duy đem lại là như nhau.

Người khiếm thính sau khi đi học, nhận được sự ảnh hưởng từ môi trường và tự nhiên học thuộc một số thủ ngữ. Lúc này, hoạt động tư duy được xây dựng trên cử động thủ ngữ theo bối cảnh.

Sự phát triển từ tư duy hình tượng đến tư duy thủ ngữ của người khiếm thính không phải có thể tách rời, mà là phát triển từng bước, và hai hình thức tư duy này có thể cùng tồn tại song song. Ví dụ, khi người khiếm thính suy nghĩ: “Ngày mai mình phải đến hiệu sách mua cái thước kẻ”, họ sẽ tưởng tượng quá trình mua bán ngày mai và một loạt các động tác tay hiện ra trong não họ. Lúc này, tư duy hình tượng và tư duy thủ ngữ là giao thoa. Nội dung hoạt động của tư duy đã thông qua thủ ngữ, biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt.

3. Giai đoạn tư duy văn tự

Những em khiếm thính nhỏ tuổi hoặc người khiếm thính tiếp nhận giáo dục trình độ văn hóa thấp thì phương thức tư duy được xây dựng trên cơ sở thủ ngữ. Theo sự trưởng thành và sự nâng cao năng lực văn hóa, tư duy của họ dần dần được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ văn tự trừu tượng.

Bạn khiếm thính C: Tôi là người khi lớn mới bị mất thính lực. Lúc nhỏ tôi đi học phổ thông như bao bạn bè khác, cách suy nghĩ và tư duy của tôi cũng giống các bạn tôi. Sau khi bị tai nạn dẫn đến điếc cả hai tai, tôi gặp khó khăn tư duy một thời gian nhất định. Lúc này văn tự (chữ viết) là phương thức giúp tôi tiếp xúc với cuộc sống nhanh nhất và đơn giản nhất. Hoạt động tư duy của người khiếm thính chịu ảnh hưởng do vết cắt về mặt tâm lý của chính người khiếm thính, nhưng trình độ văn hóa cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tư duy và nhận thức mỗi người.

Cũng cần nói rõ thêm: khi công cụ chuyển tải tư duy cho người khiếm thính là ngôn ngữ văn tự thì trong họ vẫn tồn tại công cụ thủ ngữ, cả hai công cụ này có tác dụng nhất định. Khi cần giao tiếp giữa thế giới người khiếm thính thì chủ yếu dùng thủ ngữ và tiến hành tư duy thủ ngữ. Khi họ tự mình suy nghĩ vấn đề, khi sáng tác, viết lách hoặc lên mạng Internet thì văn tự (chữ viết) là phương thức chuyển tải tư duy được vận dụng.

Những ví dụ cụ thể trên đã nói lên tư duy của người khiếm thính không nhất thiết dùng ngôn ngữ ngữ âm để truyền tải, mà được thông qua các giai đoạn tư duy hình tượng, tư duy thủ ngữ, tư duy văn tự, đây chính là điểm khác biệt với người không mất khả năng thính lực. Người bình thường không mất khả năng thính lực dùng ngôn ngữ ngữ âm để truyền tải và coi ngôn ngữ là công cụ tư duy. Đem hai phương thức tư duy khác nhau này ra so sánh là đã trả lời được câu hỏi ban đầu, không có ngôn ngữ ngữ âm vẫn có thể tư duy.

Người khiếm thính vẫn tư duy liên tục. Đó là vì:

Thứ nhất, người khiếm thính và người không khiếm thính đều sống trong xã hội con người, đều có bán cầu não đầy đủ với cơ quan phát âm. Bán cầu não của họ cũng chia làm hai thùy trái và phải và đều có sự phân công chuyên biệt. Vấn đề chủ yếu của họ là không nghe thấy người khác nói nên học không được tiếng nói. Một khi họ được hồi phục khả năng thính giác thì họ cũng học nói được như bình thường. Chừng hai mươi năm lại đây, đã thấy có người thường xuyên châm cứu khôi phục được điếc tai giúp cho người câm biết nói, đó cũng là bằng chứng xác thực nhất. Cho nên, chúng ta tuyệt đối không được đem so sánh người bị khiếm thính với tình trạng không thể nói được của một số loài động vật. Những động vật khác hai bên thùy não trái phải không có sự phân công chuyên biệt, không có cơ cấu não chuyên môn quản lý ngôn ngữ và cơ quan phát âm cũng chẳng thể phát ra âm thanh phong phú như con người, cho nên các loài động vật không học được ngôn ngữ; Điều này khác hoàn toàn với việc người câm điếc bị mất khả năng ngôn ngữ.

Thứ hai, não bộ là cơ quan chỉ huy tất cả cả hoạt động của con người, các cơ quan cảm giác của con người cũng do não chỉ huy thống nhất, và tọa thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Người khiếm thính không nghe thấy nên không thu được tin tức từ đáng có từ việc nghe, nhưng họ có thể được sự đền bù và bổ khuyết từ các cơ quan cảm giác khác. Công cụ giao tiếp có thể chia thành giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp hình thể (hay còn gọi công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ). Người khiếm thính dẫu rằng mất công cụ giao tiếp ngôn ngữ thì phát triển công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ, từ thị giác xúc giác đi tiếp nhận thông tin mà người bình thường dùng ngôn ngữ thay thế. Thị giác của người khiếm thính rất nhạy, bắt đầu dùng chyển động tay để tư duy. Người được đào tạo, sau khi nắm vững thủ ngữ có thể dùng động tác tay tạo chuỗi từ ngữ. Dạy cho người khiếm thính quan sát và mô phỏng khẩu hình môi là giúp cho người khiếm thính một con đường mới để tiếp xúc ngôn ngữ. Họ dùng cách “Nhìn lời nói” mà không phải “nghe lời nói” để phân biệt được ý nghĩa.

Thứ ba, ta thường nghe câu nói ‘Mắt nhìn sáu hướng, tai nghe tám hướng”, tính hiện thực của tin tức thu được qua việc nghe là hiệu quả hơn qua việc nhìn, chỉ thông qua thị giác để giao tiếp nhất định hạn chế hơn nghe được âm thanh rất nhiều, và điều này không phải không có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực tư duy của người khiếm thính. Ví dụ bạn hướng dẫn cho người khiếm thính cách phân biệt “con chó” ‘con mèo” thì không mấy khó khăn nhưng khi cần giải thích ‘Vĩ đại”, “Tổ quốc” thì không đơn giản chút nào. Tư duy trừu tượng thường được dựa vào một hình thức vật chất nào đó, như dựa vào âm thanh là linh hoạt nhất, có thể dựa vào thị giác, xúc giác. Người khiếm thính lựa chọn phương thức tư duy không được linh hoạt như người bình thường nhưng thực ra chẳng có loại tư duy nào tồn tại cô lập không có chỗ dựa cả.

Tổng kết lại, công cụ truyền dẫn tư duy của người khiếm thính (và người câm điếc) là hệ thống ngôn ngữ thị giác, ngoài tư duy hình tượng còn có tư duy thủ ngữ và tư duy văn tự. Quá trình phát triển tư duy của người câm điếc đi từ tư duy hình tượng, đến tư duy hình tượng thêm tư duy thủ ngữ, phát triển lên tư duy thủ ngữ thêm tư duy văn tự, và sau cùng là dùng tư duy văn tự làm chủ thể. Mặt khác, trình độ văn hóa cao hay thấp cũng xác định hình thức tư duy của người câm điếc có phải có thể hình thành hoạt động tư duy dùng văn tự truyền tải hay không.

* Tài liệu tham khảo:

(1). Vấn đề ngôn ngữ học chủ nghĩa Mác – Trang 30

(2). Phép biện chứng tự nhiên của Friedrich Von Engels - Trang 200

(3). Nghiên cứu giáo dục người câm điếc của Hữu Đức Tường – Trang 30

(4). Các tài liệu khác liên quan đến vấn đề người khiếm thính.


   

Người khiếm thính bẩm sinh không nên kết hôn với nhau

Wednesday, May 18, 2011

| | | 0 comments

Câm điếc bẩm sinh là một loại bệnh di truyền có tính lặn của một loại nhiễm sắc thể thường gặp. Trong một cặp nhiễm sắc thể của loại bệnh này thì có một nhiễm sắc thể nhận được từ cha và một nhiễm sắc thể còn lại nhận được từ mẹ. Một người bị câm điếc bẩm sinh đều có đủ một cặp nhiễm sắc thể này. Nếu như giữa hai người câm điếc bẩm sinh cùng tiến hành hôn phối thì con cái của họ sinh ra bất luận là trai hay gái đều rất có khả năng là một đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh. Cho nên, rất không nên có hôn phối giữa người bị câm điếc bẩm sinh với người bị câm điếc bẩm sinh.


Ứng xử thế nào với đứa con khiếm khuyết thính lực của bạn?

| | | 0 comments

Bất luận con yêu bé bỏng của bạn có bị tổn thất thính lực nghiêm trọng đến thế nào thì bé vẫn là một đứa trẻ, và cùng tuân thủ một quy luật phát triển bình thường như bao đứa bé khác. Các con không chỉ có nhu cầu ăn và uống, các con còn có nhu cầu được vui chơi, được nô đùa và học tập. Những nhu cầu này được thể hiện ở khả năng phát triển ngôn ngữ, được bộc lộ qua ngữ điệu cử chỉ của cơ thể, được thể hiện qua trí lực hành vi, tình cảm và mặt xã hội. Nếu bạn chỉ chú tâm và tập trung sức lực để rèn luyện cho các con khả năng ngôn ngữ mà quên đi bé yêu của bạn còn rất nhiều nhu cầu khác nữa thì đó là suy nghĩ và nhận thức thiếu sót và sai lầm. Bạn cần phải bảo đảm bé yêu của bạn cần phát triển toàn diện.

Bé nhà bạn bị khiếm khuyết thính lực, thực chất đó là một việc không vui vẻ và hay ho chút nào, và có không ít người bi quan về điều này. Bé con càng cần được bạn ôm ấp, vuốt ve, tươi cười, thấu hiểu và giao lưu trao đổi. Nhưng điều cần bạn phải hạ quyết tâm là không nên cho rằng bé yêu đã bị khiếm khuyết thính lực thì dù một yêu cầu không hợp lý bạn cũng sẵn sàng đồng ý, nhất nhất nghe theo yêu cầu của con dễ khiến con ỷ thế và bạn đã mắc sai lầm.

Trên thực tế, con trẻ biết làm rất nhiều việc, chủ yếu là thiếu cơ hội để thể hiện ra mà thôi. Do vậy trong cả quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé, bạn đừng bao giờ chỉ chăm chăm nghĩ xem cái gì bé nhà bạn “không được làm”, mà tốt hơn hết bạn hãy nghĩ hộ xem cái gì bé nhà bạn “có thể làm”. Có vậy những điều bạn phải làm chỉ là : tạo điều kiện, động viên khuyến khích bé đi tìm tòi, đi “chơi” với tri thức mới và học tập. Hãy để cho bé con mạnh dạn đi hưởng thụ niềm vui cuộc sống thường ngày xã hội. Bạn cũng đừng đặt quá nhiều hy vọng vào mọi sự chữa trị.

Bệnh khiếm thính bẩm sinh

| | | 1 comments


Bệnh Khiếm thính bẩm sinh là do một số yếu tố ảnh hưởng khiến cơ quan thính giác trong của trẻ sơ sinh bị tổn thương và phát triển không đầy đủ. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh là các yếu tố di truyền, như: bố mẹ hôn nhân cận huyết thống, hoặc có khi là trong thời gian mang thai người mẹ bị nhiễm một loại bệnh truyền nhiễm có tính cấp, hoặc cũng có thể do người mẹ bị ngộ độc một loại thuốc nào đó. Chỉ vì thính lực bị hạn chế khiến gây khó khăn cho việc mô phỏng ngôn ngữ, gây khó khăn cho việc học tập và trở nên câm điếc.

Một trẻ sơ sinh phát triển bình thường thông thường giai đoạn từ khoảng tháng tuổi thứ tư (04) đến tháng tuổi thứ mười một (11) đã có biểu hiện ê a bắt chước học nói, và đây cũng là giai đoạn đánh dấu tầm quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ. Những trẻ nhỏ bị trở ngại nghiêm trọng của thính giác (khả năng nghe) sẽ thiếu đi tính kích thích của ngôn ngữ và môi trường. Vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ mấu chốt ở khoảng độ tuổi 2-3 tuổi, trẻ nhỏ rất khó học tập ngôn ngữ như trẻ bình thường, trẻ bị bệnh nặng có thể dẫn đến câm, trẻ mắc bệnh nhẹ hơn gặp khó khăn biểu đạt, hiểu ngôn ngữ khiến khả năng thích ứng với gia đình, môi trường, xã hội suy giảm; một số hành vi tâm lý khác như khả năng chú ý tập trung kém, bắt chước và học tập khó khăn. Nếu trẻ nhỏ từ 12 đến 18 tháng tuổi vẫn chưa biết nói, cha mẹ nên chú ý đến cả khả năng bé em bị điếc bẩm sinh. Trẻ bị câm điếc thì vẫn khóc cười như bình thường, có khi có trẻ vẫn nghe thấy tiếng trống gõ, tiếng sấm rền hoặc tiếng pháo nổ. Để xác định bé em có bị bệnh không trước tiên cần hiểu về tiền sử bệnh lý gia đình bố mẹ, ông bà có ai hôn nhân gần huyết thống không, có ai kết hôn với người câm điếc không, lịch sử mang thai của người mẹ, tình trạng bệnh lý (nếu có) của bé khi sinh. Cho dù màng nhĩ có thể bình thường vẫn cần kiểm tra thính lực cho bé. Đối với bé ít tháng tuổi có thể vỗ tay sau lưng, lắc chuông làm giả những âm thanh đột phát để kiểm tra. Nếu trẻ nghe thấy âm thanh trẻ sẽ có những phản ứng biểu hiện như chớp mắt, giật mình khóc, hoặc ngoái đầu...để phản ứng. Nếu bé ở độ tuổi lớn hơn, ngoài cách gọi to từ phía sau lưng, hay vỗ tay, ta còn có nhiều cách kiểm tra khác như dùng tiếng đồng hồ báo thức, kiểm tra thính lực đồ.

Thông thường ở trẻ sơ sinh tỷ lệ gặp trở ngại thính lực khoảng 0,1 – 0,3% và trong đó tỷ lệ mắc chứng bệnh nặng chừng 0,05%. Trong công tác quản lý sàng lọc bệnh tật trẻ sơ sinh của Bộ Y tế có bao gồm sàng lọc thính lực trẻ sơ sinh. Sàng lọc thính lực trẻ sơ sinh thường dùng phương pháp Đo lường âm thanh từ ốc tai (otoacoustic emission - TEOAE) và đánh giá đáp ứng âm của cuống não (auditory brainstem response - ABR) và có thể tiến hành kiểm tra trẻ sơ sinh từ 1-3 ngày tuổi để sàng lọc cơ bản bước đầu (môi trường kiểm tra phải tương đối yên tĩnh, tiếng ồn không quá 40 dB). Nếu như lần đầu kiểm tra trẻ chưa vượt qua không có nghĩa là trẻ đã bị mất thính lực, có nhiều lý do cần phải xem xét; nhưng nếu có các bằng chứng rõ ràng rằng bị mất thính lực thông qua các thử nghiệm này thì trẻ cần phải được chuyển đến các chuyên gia Thính học để có chẩn đoán tổng thể về dạng và mức độ mất thính lực.

Nếu lần đầu chưa vượt qua được kiểm nghiệm này trẻ sẽ được yêu cầu tiếp tục tiến hành sàng lọc trong thời gian 42 ngày. Nếu lần kiểm nghiệm thứ hai trẻ vẫn chưa vượt qua được thì cần đưa trẻ đến khám chẩn đoán hoặc đến khoa tai mũi họng để kiểm tra bằng kỹ thuật ABR. Sau cùng nếu chẩn đoán trẻ bị suy giảm thính lực thì nên sử dụng các biện pháp y học can thiệp sớm cho bé trong thời gian 3-6 tháng tuổi.

Đối với những trẻ có bằng chứng xác thực bị suy giảm thính lực bẩm sinh thì nên tiến hành can thiệp y học cho trẻ sơ sinh ngay từ 3 tháng đầu. Năng lực ngôn ngữ sẽ chênh lệch khoảng 20% giữa trẻ được can thiệp sớm với trẻ can thiệp muộn sau sáu tháng tuổi. Đối với trẻ mắc chứng do di truyền nếu được chẩn đoán và can thiệp sớm thì năng lực ngôn ngữ thường đạt 80% so với bình thường. Đối với trẻ sơ sinh gặp trở ngại thính lực nên sử dụng biện pháp đeo trợ thính, huấn luyện ngôn ngữ; đối với trẻ sơ sinh mất hoàn toàn thính lực nên sử dụng phẫu thuật cấy ốc tai. Trẻ nhỏ bị khuyết thiếu thính lực nên sớm đưa tới trường chuyên biệt cho trẻ câm điếc để nhận được giúp đỡ, bao gồm cả việc học ngôn ngữ ký hiệu và học âm môi.

Tiếng hát từ trái tim

Monday, May 16, 2011

| | | 0 comments

Ở Cao nguyên Tây Tạng nơi có độ cao 4000m so với mặt nước biển, nơi gần bầu trời nhất có một bầy trẻ em phải sống trong bóng đêm không ánh mặt trời, không sắc màu. Có nhiều người xung quanh các em đã từng gọi một cách thô thiển rằng "lũ trẻ mù"(1).

Cho đến một ngày, bầy trẻ em bắt đầu chú ý lắng nghe trong bóng đêm, bầy trẻ em bắt đầu học tập trong bóng đêm, bầy trẻ em bắt đầu trò chuyện và hát ca trong bóng đêm. Đó chính là Tốp ca nhi đồng trường mù Lashan (2)(Thủ phủ Tây tạng - Trung Quốc).


(Ca khúc biểu diễn của các bạn được bắt đầu từ phút thứ 1:05)

Được đến tham gia cuộc thi “China Talent năm 2010” tổ chức tại Thượng Hải lần này, các em vô cùng phấn khởi. Chúng ta nhìn thấy các em trong những bộ trang phục truyền thống dân tộc Tạng (Trung Quốc) rất đặc sắc, tay dắt tay chầm chậm theo sau cô giáo bước ra sân khấu. Khi đến giữa sân khấu, các em hoàn toàn không giống như những thí sinh khác hoặc vẫy tay hoặc nhìn về phía Ban Giám khảo và khán giả; Các em nghển cổ lên kiếm tìm âm thanh và ánh đèn. Cả hội trường lặng thinh chời đợi tiết mục biểu diễn của các em.

Các em đều thuộc lứa tuổi từ 10 đến 13 tuổi, tuy là trẻ khiếm thị nhưng các em chưa khi nào cảm thấy mình khác người. Tuy mắt không nhìn thấy gì, nhưng các em có thể dùng đôi tai và các giác quan khác để cảm nhận cả thế giới bao la. Khi giọng hát bắt đầu ngân lên, những âm thanh trong trẻo trời phú vang lên từ lồng ngực đan quện cả khán phòng. Khán phòng ngập tràn tiếng ca thơ ngây, thuần khiết và sáng trong vỡ ra từ lồng ngực của các em. Tiếng hát khiến chúng ta cảm nhận được tấm lòng lạc quan, rộng mở và như đang được phiêu du trên thảo nguyên Tây Tạng bát ngát, bao la. Bài hát các em biểu diễn là một bài nhạc dân tộc Tạng có đại ý là: “Tấm lòng cha mẹ dưới bầu trời này không khác gì trái tim Quan âm bồ tát”. Các em muốn dùng bài hát này để bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ và các thầy cô giáo.

Chúng ta và những người bên ngoài nhìn vào thường thấy đáng thương cho bất hạnh “không nhìn thấy gì” của các em. Thế nhưng khi chưa có được đôi mắt sáng thì các em đã có được trái tim chói sáng hơn chúng ta rất nhiều. Cô giáo Yuzhen người luôn ở bên các em nói với Phóng viên rằng: “ Các em luôn nói với tôi tuy mắt chúng em không nhìn thấy nhưng chúng em có thể học tập, chúng em đều có thể trở thành những người sống có ích cho xã hội như bao người khác".

Chú thích:

(1)(Ở Cao nguyên Tây Tạng này có một sự thật làm rất nhiều người phải giật mình. Theo tín ngưỡng truyền thống người Tạng, người bị khiếm thị là do kiếp trước mắc tội nên kiếp này bị trừng phạt, tà ác đã nhập vào người này tước đi ánh sáng. Do dó người khiếm thị ở đây trước kia bị xem như báo một điềm xấu. Có người khiếm thị khi sinh ra chết yểu, có người còn sống thì sống trong sự đối xử lạnh nhạt và kỳ thị của những người xung quanh cũng khó có thể tìm thấy cái quyền làm Người.

(2) Trường mù Lasha được thành lập năm 1999 tại đường Giang Tô Thành phố Lasha (Thủ phủ Khu tự trị Tây Tạng-Trung Quốc) dưới sự sáng lập và bảo trợ của hai người khiếm thị đến từ Đức là cô giáo Sa-Bu-ni-a 29 tuổi (Cô đi du lịch và vì yêu mến Tây Tạng nên ở lại đây lập trường)và thầy Paul (người cô giáo Sa-Bu-ni-a gặp trong quán nhỏ ở Lasha) mang quốc tịch Hà Lan.

Ngày thàng lập trường bắt đầu với sáu (06) em học sinh. Hiện nay trường có khoảng 60 học sinh và và được chia theo độ tuổi như Lớp tuổi Chuột, lớp tuổi Hổ hay lớp tuổi Mèo.

(Học sinh lớp tuổi Chuột chụp ảnh tại Cung LạtMa- Người chụp: thầy Paul)

Ở trường các em được học Tiếng Anh, Tiếng địa phương dân tộc Tạng, tiếng Hán (tiếng phổ thông Trung Quốc), máy tính, mỹ thuật và âm nhạc, mátxa.Vì muốn các em phải hiểu được tiếng Mẹ đẻ, cô giáo Hiệu trưởng Sa-Bu-ni-a đã sáng tạo ra chữ nổi cho người dùng tiếng Tạng trên cơ sở chữ nổi Brai và phát minh ra máy đánh chữ nổi tiếng Tạng; và các học trò ở đây thật hạnh phúc khi là người khiếm thị Tây Tạng đầu tiên được nói viết bằng chữ nổi tiếng Tạng.Giờ thì trong giờ học nghe thấy tiếng máy gõ chữ lách cách và tiếng ngân nga từng chữ cái O,C. Và có không ít các em nói tiếng Anh trôi chảy khi giao tiếp.

Thú thực tôi đã khóc khi lần đầu tiên nghe tiếng hát của các em khi xem được đoạn băng tại cuộc thi "China talent". Sau đó tôi đi cóp nhặt những tài liệu về ngôi trường bé nhỏ này. Tinh thần lạc quan, nghị lực sống và tấm lòng của cô giáo Sabunia, của thầy Paul, của các em học sinh đã dạy cho tôi được rất nhiều điều.

Tiếp cận Văn hóa Điếc

| | | 0 comments

Lời tựa: "Tạo hóa ban cho con người các giác quan để nhìn thấy Mặt trời lên mỗi sớm mai, để lắng nghe tiếng chim rộn rã đầu ngày, để ngửi hương thơm nồng nàn của muôn hoa, để cảm nhận vạn vật có sức sống và linh hồn..." (Báo Thế giới phụ nữ). Mất hay suy giảm giác quan nào đó là chấp nhận cuộc đời này bớt đi niềm vui và thêm nhiều bất lợi.

Nhưng thật không đáng nếu để cho việc mất thính lực hạ gục bạn. Người khiếm thính có thể làm tất cả mọi việc trừ việc NGHE. Một thái độ tích cực, cách điều trị đúng và cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm với người khiếm thính khác, sẽ hướng bạn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn với việc mất thính lực của mình.

Ảnh: Tiết mục Múa "Phật bà nghìn tay nghìn mắt" do một bạn khiếm thính người Trung Quốc biểu diễn năm 2005

Tôi không phải là chuyên gia hay là một học giả uyên bác để có một lời khuyên cho Người khiếm thính nên sống như thế nào để cuộc sống trọn vẹn. Nhưng tôi biết rằng mỗi hành động chia sẻ dù là nhỏ nhất dành cho cộng đồng Người khiếm thính đều là hành động thiết thực trong thời điểm đất nước chúng ta đang thiếu trầm trọng sự trợ giúp từ Chính phủ và xã hội cho cộng đồng Người khiếm thính này.

"Văn hóa Điếc" là hình thái cuộc sống mà điều tiên quyết của nó là ngôn ngữ ký hiệu. Văn hóa Điếc là cách sống, quan điểm, kinh nghiệm, kiến thức, những chuẩn mực đã trải qua và được truyền bá cùng với ngôn ngữ ký hiệu, chúng trở thành những vấn đề thông thường trong cộng đồng người Điếc.

Tôi ước muốn Blog BẠN KHÔNG CÔ ĐƠN trở thành diễn đàn bổ ích và sân chơi lý thú cho tất cả những ai đã, đang, và chưa từng quan tâm đến những Người Khiếm thính; Và tôi bắt đầu nỗ lực...

Trân trọng!

Chú thích: Bài viết trích dẫn nhiều đoạn trong cuốn "Thế giới người khiếm thính" -tác giả Dương Phương Hạnh. Lý do: cuốn sách có nhiều điểm cuốn hút tôi đồng cảm nên tôi xin phép được sử dụng thay cho tiếng lòng mình. Toàn bộ nội dung cuốn sách tôi đăng riêng tại chuyên mục Xuất bản phẩm, mời bạn ghé xem.