Photobucket

Người khiếm thính bẩm sinh tư duy như thế nào?

Saturday, May 21, 2011

| | |

Chúng ta biết người bình thường trong quá trình tư duy suy nghĩ được tổ chức và tư duy trên cơ sở đã hiểu ngôn ngữ, nhưng đối với một người từ khi sinh ra đã không có khả năng thính lực, vậy thì trong quá trình lớn lên, trưởng thành lên khi họ suy nghĩ thì não bộ dùng phương thức nào để tư duy? Bạn cũng biết rõ là đối với người bị khuyết thính lực bẩm sinh thì gần như không có khả năng hiểu ngôn ngữ.

Những người dùng một phương thức khác đi tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì phương thức tư duy của họ cũng khác với những người dùng chung một phương thức đi tiếp xúc với thế giới, vậy thì khác ở chỗ nào? Thực ra, do thiếu đi năng lực nghe và nói, tế bào não bộ sẽ sản sinh ra một vài tế bào đặc biệt khác để hiểu sự vật, và có lúc nhóm người này họ rất thông minh, đặc biệt thông minh hơn nhóm người không khuyết năng lực nghe rất nhiều, và nguyên lý này cũng giống tương tự với người bị khiếm thị bẩm sinh.

Ngôn ngữ và tư duy của Người khiếm thính

Ngôn ngữ là sự tổng hòa của quy tắc từ vựng và ngữ pháp, là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong đó, Tư duy là sự phản ánh khách quan sự vật như đặc trưng, quy luật và mối liên hệ tương hỗ, tư duy là một tính năng đặc thù vốn có của não bộ con người.

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy là vấn đề phức tạp và có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nhưng trong giới học thuật nước ta rất nhiều người cho rằng ngôn ngữ và tư duy là thống nhất tương hỗ, có những quan điểm chính như: “Ngôn ngữ và Tư duy tồn tại song song, và được sinh ra đồng thời”, “Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, tư duy dùng ngôn ngữ để tiến hành biểu đạt”, “Tư duy được sinh ra và tồn tại trên cơ sở nguyên liệu là ngôn ngữ”..v.v. Những quan điểm trên chiếm vị trí thống trị gần như tuyệt đối trong giới học thuật nước ta, được ứng dụng và vận dụng vào nhiều ngành khoa học khác nhau như Triết học, Ngôn ngữ học, Lôgic học, Tâm lý học. Tóm lại, khi đề cập đến bất cứ lĩnh vực nào một khi hỏi đến mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ, người ta đều thường coi đó như một chân lý. Nếu vậy có thể thấy được đại bộ phận chúng ta đều cho rằng ngôn ngữ và tư duy là thống nhất, tức nếu không có ngôn ngữ thì không tồn tại tư duy, hoặc ngược lại nếu không có tư duy thì ngôn ngữ không được tiếp tục sinh ra. Vậy thì quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy đều có mối quan hệ như vậy một cách tuyệt đối? Không lẽ không có ngôn ngữ thì chắc chắn không thể tư duy? Bài viết này là những suy nghĩ rất giản lược của tôi nhằm trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa Ngôn ngữ và tư duy của người khiếm thính.

Trước khi nói về người khiếm thính, tôi muốn nói về một đối tượng đối ngược hoàn toàn với người khiếm thính về năng lực nghe, đó là nói tới những người không bị khiếm thính, hoặc những người bình thường về thính lực. Người bình thường dùng ngữ âm và ngôn ngữ tiến hành tư duy, trong quá trình tư duy cảm giác của chúng ta thường là nói thầm những điều chúng ta suy nghĩ, dùng những câu nói không âm thanh để tư duy. Người khiếm thính cũng có hoạt động tư duy, nhưng họ không có khả năng dùng ngữ âm ngôn ngữ tư duy như người bình thường, vậy cách thức để chuyển tải ngôn ngữ để tư duy của người khiếm thính như thế nào? Phải chăng là một loạt các hình ảnh và các bối cảnh liền nhau, hay là một loạt các thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu), hay là còn cách thức nào khác nữa? Sau khi người khiếm thính nắm được ngôn ngữ văn tự (chữ viết), khi phải tham gia tổ chức tư duy, liệu có phải là hàng loạt con chữ xuất hiện chạy dần ra trong bộ não? Vậy thì quá trình phát triển và chuyển tải của tư duy như thế nào?

A- Tư duy của người khiếm thính không có duyên với ngôn ngữ

Trong cuốn của Stalin (tên Tiếng Nga: Ио́сиф Виссарио́нович Ста́лин) có đưa ra một số luận điểm tương quan với vấn đề này, như: Ngôn ngữ là phục vụ cho cả xã hội, đồng thời phê phán lý luận sai lầm “ngôn ngữ là kiến trúc thượng tầng”, luận điểm này vẫn có giá trị định hướng quan trọng cho đến ngày hôm nay. Thế nhưng, khi ông luận chứng tất cả tư tưởng của con người “Chỉ có trên cơ sở của ngôn ngữ, trên cơ sở của từ và câu mới có thể sản sinh và tồn tại” thì gặp một câu hỏi khó từ những người khiếm thính: Chúng tôi những người khiếm thính thì không thể tư duy được sao?

Để tránh sự kỳ thị về nhận thức, tôi muốn xác định rõ đối tượng được đưa ra ở đây, nếu không có người sẽ nói “Người khiếm thính không biết nói nhưng biết chữ nên có năng lực ngôn ngữ” hoặc “Họ có ngôn ngữ trong, dùng ngôn ngữ bên trong để tư duy”. Đối tượng mà tôi muốn nói đến là những người khiếm thính nhỏ hơn 01 tuổi hoặc bao gồm cả những người khiếm thính bẩm sinh chưa bao giờ tham gia học tập đào tạo, có như vậy mới tách biệt được yếu tố ngôn ngữ.

Dù là vậy có người sẽ nói: “ Người khiếm thính, người câm điếc không giống người bình thường, không thể dùng họ để chứng minh cả nhân loại”. Đúng là như vậy, nếu dùng người khiếm thính không biết nói để suy ra cả nhân loại đều không biết nói thì là chuyện “hoang đường ngu xuẩn”. Thế nhưng, chúng ta thấy não bộ người bình thường không ngừng tư duy, không ngừng nhận thức thế giới, cải tạo thế giới; và não bộ người khiếm thính, câm điếc cũng vậy, họ cũng liên tục tư duy, không ngừng nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. Đầu óc của họ đâu có kém có hỏng, thần kinh cao cấp của họ hoạt động bình thường. Cho nên về mặt tư duy họ cũng chẳng khác gì người bình thường, vậy tại sao không thể lấy họ làm ví dụ để nghiên cứu và chứng minh cả thế giới tư duy khách quan của con người?

Phương thức tư duy của họ có khác biệt người bình thường một chút, ví dụ sắp xếp khái niệm có trật tự khác với bình thường. Ví dụ chúng ta nói “chúng ta không hái hoa”, họ sẽ đặt trật tự câu là “Hoa..Không..Hái”. Do họ chưa tiếp xúc được với ngôn ngữ của phần đông người bình thường nên họ không học được hình thức ngữ pháp do người bình thường đặt trật tự, họ dùng cái nhìn trực quan để biểu đạt, sắp xếp khái niệm, hình tượng. Cũng giống như tư duy của người Châu Âu có nhiều điểm rất khác tư duy của chúng ta. Nhưng xét về bản chất thì kỹ năng và chức năng vốn có của não bộ là như nhau. Do đó, tiến hành nghiên cứu tư duy của người khiếm thính, câm điếc không những có thể chứng minh tư duy của người bình thường, mà là con đường để tiếp xúc và có thể nghiên cứu và hiểu biết thêm mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.

Mẹ tôi kể trước đây ở quê tôi có một ông thầy lang cam điếc chữa xương rất giỏi, lúc mẹ biết ông đã chừng bốn mươi tuổi, ông chưa từng được đi học. Bao nhiêu năm làm nghề ông đã chữa cho không ít người gãy xương khớp, những người chữa qua ông đều không ai phiền lòng vì ông. Ông không dùng X quang, chỉ dựa vào đôi mắt quan sát, dựa vào xúc giác, rồi sờ ra mức độ tổn hại của xương. Sau đó ông phun lên một chút rươutj thuốc (có lẽ để hoạt huyết) rồi bóp, nắn để xương gãy trở về vị trí cũ, sau cùng đắp lên một lá thuốc. Thường thì từ 7-10 ngày là đã lành. Phương pháp này so với y học hiện đại cũng rất linh nghiệm.

Thày lang trên cơ sở thị giác, xúc giác đã chi phối tư duy cấp cao và tiến hành chữa bệnh. Cách phán đoán, suy diễn, phân tích của ông dựa vào cách tư duy nào? Chắc chắn não bộ của ông đã có sẵn một vật chất cao cấp và có phản ánh chính xác đối với sự vật bên ngoài (gãy xương và vị trí gãy).

Ví dụ trên nói lên một điều tư duy của người khiếm thính, câm điếc là không liên quan đến ngôn ngữ (đương nhiên ngôn ngữ ở đây là chỉ ngôn ngữ ngữ âm của người bình thường, và đối tượng câm điếc là người câm điếc bẩm sinh hoặc chưa qua đào tạo). Những người khiếm thính này sau khi nhận được sự đào tạo có thể nắm vững thủ ngữ và văn tự viết trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên, điều này khẳng định thêm tư duy của họ có năng lực trừu tượng. Vậy trong suốt quá trình này, người khiếm thính câm điếc đã đi qua các giai đoạn tư duy nào?

B- Những giai đoạn phát triển tư duy khác nhau của người khiếm thính

1. Giai đoạn tư duy hình tượng

Trong hoàn cảnh không có ngôn ngữ đi giải quyết vấn đề tư duy. Trước khi người khiếm thính nắm vững một lượng thủ ngữ phong phú, hoạt động tư duy là tư duy hình tượng. Tư duy hình tượng bao gồm cả: ấn tượng thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, ảo giác, tâm tình, cảm giác đau đớn..và trên cơ sở thiết lập những ấn tượng này tưởng tượng ra quá khứ hoặc tương lai.

Ví dụ:

- Người khiếm thính A: Tôi học và trưởng thành từ trường dành cho người khiếm thính. Trước khi nhập học tôi đã từng tiếp thu lớp học huấn luyện hồi phục ngôn ngữ nhưng khi đó tôi chưa có năng lực nhận biết, năng lực phân biệt, nhìn chung đều tưởng tượng cả chuỗi hình ảnh chạy trước mắt.

- Người khiếm thính B: Mười năm trước tôi đã từng tiếp xúc một người khiếm thính văn hóa thấp, chủ yếu khi giao tiếp với tôi đều dùng cách vẽ. Một hôm vào buổi trưa, tôi thấy bạn ấy không vui, bạn ấy vẽ ra một cái đầu người có hai gương mặt, một gương mặt tóc rẽ ngôi xinh xắn, một gương mặt xanh xao tóc tai bù xù, tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Qua cách hiểu của người bạn này nói lên điều gì?

Còn rất nhiều người bạn khiếm thính khác khi thể hiện cách tư duy của mình về hồi ức thời thơ ấu đều cảm giác những cảnh vật rất cụ thể cứ như một bộ phim quay chậm trong não phát ra từ từ. Đồng thời, do tư duy hình tượng khó giải thích được hết bản chất của sự vật hiện tượng nên một bộ phận không nhỏ người khiếm thính rất mơ hồ về những sự vật quanh mình.

2. Giai đoạn tư duy thủ ngữ

Một người khiếm thính sau khi nắm vững một lượng thủ ngữ nhất định thì công cụ tư duy đã chuyển dần sang hướng thủ ngữ.

Khi quan sát tổng hợp một học sinh khiếm thính đọc sách một cách tự chủ thì thấy rằng rất ít bạn chỉ nhẩm miệng mà không động tay, trừ khi có một số từ khó mà bản thân bạn ấy không biết cử chỉ tay biểu đạt, thế nhưng lúc ấy vẫn thấy được bờ vai bạn ấy sẽ có những cử động có tiết tấu nhịp điệu để thay cho động tác tay.

Hoặc có lần trên phố, tôi thấy một chị phụ nữ đang chỉ có một mình nhưng dùng tay lặp đi lặp lại câu chuyện quá khứ của chị. Chị là một người bị khiếm thính và tâm thần, lúc ấy chị đang tư duy lặp lại một cách có ý thức. Phương thức Tư duy của chị cũng là dùng tay để tái hiện lại. Qua các quan sát này thấy cách chuyển tải tư duy của người khiếm thính có một giai đoạn nào đó là thủ ngữ. Cho dù hình thức biểu hiện so với người có thính lực là khác nhau, nhưng tác dụng do tư duy đem lại là như nhau.

Người khiếm thính sau khi đi học, nhận được sự ảnh hưởng từ môi trường và tự nhiên học thuộc một số thủ ngữ. Lúc này, hoạt động tư duy được xây dựng trên cử động thủ ngữ theo bối cảnh.

Sự phát triển từ tư duy hình tượng đến tư duy thủ ngữ của người khiếm thính không phải có thể tách rời, mà là phát triển từng bước, và hai hình thức tư duy này có thể cùng tồn tại song song. Ví dụ, khi người khiếm thính suy nghĩ: “Ngày mai mình phải đến hiệu sách mua cái thước kẻ”, họ sẽ tưởng tượng quá trình mua bán ngày mai và một loạt các động tác tay hiện ra trong não họ. Lúc này, tư duy hình tượng và tư duy thủ ngữ là giao thoa. Nội dung hoạt động của tư duy đã thông qua thủ ngữ, biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt.

3. Giai đoạn tư duy văn tự

Những em khiếm thính nhỏ tuổi hoặc người khiếm thính tiếp nhận giáo dục trình độ văn hóa thấp thì phương thức tư duy được xây dựng trên cơ sở thủ ngữ. Theo sự trưởng thành và sự nâng cao năng lực văn hóa, tư duy của họ dần dần được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ văn tự trừu tượng.

Bạn khiếm thính C: Tôi là người khi lớn mới bị mất thính lực. Lúc nhỏ tôi đi học phổ thông như bao bạn bè khác, cách suy nghĩ và tư duy của tôi cũng giống các bạn tôi. Sau khi bị tai nạn dẫn đến điếc cả hai tai, tôi gặp khó khăn tư duy một thời gian nhất định. Lúc này văn tự (chữ viết) là phương thức giúp tôi tiếp xúc với cuộc sống nhanh nhất và đơn giản nhất. Hoạt động tư duy của người khiếm thính chịu ảnh hưởng do vết cắt về mặt tâm lý của chính người khiếm thính, nhưng trình độ văn hóa cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tư duy và nhận thức mỗi người.

Cũng cần nói rõ thêm: khi công cụ chuyển tải tư duy cho người khiếm thính là ngôn ngữ văn tự thì trong họ vẫn tồn tại công cụ thủ ngữ, cả hai công cụ này có tác dụng nhất định. Khi cần giao tiếp giữa thế giới người khiếm thính thì chủ yếu dùng thủ ngữ và tiến hành tư duy thủ ngữ. Khi họ tự mình suy nghĩ vấn đề, khi sáng tác, viết lách hoặc lên mạng Internet thì văn tự (chữ viết) là phương thức chuyển tải tư duy được vận dụng.

Những ví dụ cụ thể trên đã nói lên tư duy của người khiếm thính không nhất thiết dùng ngôn ngữ ngữ âm để truyền tải, mà được thông qua các giai đoạn tư duy hình tượng, tư duy thủ ngữ, tư duy văn tự, đây chính là điểm khác biệt với người không mất khả năng thính lực. Người bình thường không mất khả năng thính lực dùng ngôn ngữ ngữ âm để truyền tải và coi ngôn ngữ là công cụ tư duy. Đem hai phương thức tư duy khác nhau này ra so sánh là đã trả lời được câu hỏi ban đầu, không có ngôn ngữ ngữ âm vẫn có thể tư duy.

Người khiếm thính vẫn tư duy liên tục. Đó là vì:

Thứ nhất, người khiếm thính và người không khiếm thính đều sống trong xã hội con người, đều có bán cầu não đầy đủ với cơ quan phát âm. Bán cầu não của họ cũng chia làm hai thùy trái và phải và đều có sự phân công chuyên biệt. Vấn đề chủ yếu của họ là không nghe thấy người khác nói nên học không được tiếng nói. Một khi họ được hồi phục khả năng thính giác thì họ cũng học nói được như bình thường. Chừng hai mươi năm lại đây, đã thấy có người thường xuyên châm cứu khôi phục được điếc tai giúp cho người câm biết nói, đó cũng là bằng chứng xác thực nhất. Cho nên, chúng ta tuyệt đối không được đem so sánh người bị khiếm thính với tình trạng không thể nói được của một số loài động vật. Những động vật khác hai bên thùy não trái phải không có sự phân công chuyên biệt, không có cơ cấu não chuyên môn quản lý ngôn ngữ và cơ quan phát âm cũng chẳng thể phát ra âm thanh phong phú như con người, cho nên các loài động vật không học được ngôn ngữ; Điều này khác hoàn toàn với việc người câm điếc bị mất khả năng ngôn ngữ.

Thứ hai, não bộ là cơ quan chỉ huy tất cả cả hoạt động của con người, các cơ quan cảm giác của con người cũng do não chỉ huy thống nhất, và tọa thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Người khiếm thính không nghe thấy nên không thu được tin tức từ đáng có từ việc nghe, nhưng họ có thể được sự đền bù và bổ khuyết từ các cơ quan cảm giác khác. Công cụ giao tiếp có thể chia thành giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp hình thể (hay còn gọi công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ). Người khiếm thính dẫu rằng mất công cụ giao tiếp ngôn ngữ thì phát triển công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ, từ thị giác xúc giác đi tiếp nhận thông tin mà người bình thường dùng ngôn ngữ thay thế. Thị giác của người khiếm thính rất nhạy, bắt đầu dùng chyển động tay để tư duy. Người được đào tạo, sau khi nắm vững thủ ngữ có thể dùng động tác tay tạo chuỗi từ ngữ. Dạy cho người khiếm thính quan sát và mô phỏng khẩu hình môi là giúp cho người khiếm thính một con đường mới để tiếp xúc ngôn ngữ. Họ dùng cách “Nhìn lời nói” mà không phải “nghe lời nói” để phân biệt được ý nghĩa.

Thứ ba, ta thường nghe câu nói ‘Mắt nhìn sáu hướng, tai nghe tám hướng”, tính hiện thực của tin tức thu được qua việc nghe là hiệu quả hơn qua việc nhìn, chỉ thông qua thị giác để giao tiếp nhất định hạn chế hơn nghe được âm thanh rất nhiều, và điều này không phải không có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực tư duy của người khiếm thính. Ví dụ bạn hướng dẫn cho người khiếm thính cách phân biệt “con chó” ‘con mèo” thì không mấy khó khăn nhưng khi cần giải thích ‘Vĩ đại”, “Tổ quốc” thì không đơn giản chút nào. Tư duy trừu tượng thường được dựa vào một hình thức vật chất nào đó, như dựa vào âm thanh là linh hoạt nhất, có thể dựa vào thị giác, xúc giác. Người khiếm thính lựa chọn phương thức tư duy không được linh hoạt như người bình thường nhưng thực ra chẳng có loại tư duy nào tồn tại cô lập không có chỗ dựa cả.

Tổng kết lại, công cụ truyền dẫn tư duy của người khiếm thính (và người câm điếc) là hệ thống ngôn ngữ thị giác, ngoài tư duy hình tượng còn có tư duy thủ ngữ và tư duy văn tự. Quá trình phát triển tư duy của người câm điếc đi từ tư duy hình tượng, đến tư duy hình tượng thêm tư duy thủ ngữ, phát triển lên tư duy thủ ngữ thêm tư duy văn tự, và sau cùng là dùng tư duy văn tự làm chủ thể. Mặt khác, trình độ văn hóa cao hay thấp cũng xác định hình thức tư duy của người câm điếc có phải có thể hình thành hoạt động tư duy dùng văn tự truyền tải hay không.

* Tài liệu tham khảo:

(1). Vấn đề ngôn ngữ học chủ nghĩa Mác – Trang 30

(2). Phép biện chứng tự nhiên của Friedrich Von Engels - Trang 200

(3). Nghiên cứu giáo dục người câm điếc của Hữu Đức Tường – Trang 30

(4). Các tài liệu khác liên quan đến vấn đề người khiếm thính.


   

2 comments:

Giang said...

Chào bạn, bạn có rất nhiều bài viết hữu ích cho NKT, bạn có thể chia sẻ tài liệu với mình được không. Mình có em gái cũng là NKT và muốn làm gì đó để giúp em gái mình cũng như những NKT khác.

Email mình:

admin@nguoikhiemthinh.com
nguoikhiemthinh@gmail.com

Website: http://nguoikhiemthinh.com

Chúc bạn một ngày tốt lành!

Name: NHƯỢC NAM said...

Xin chào đón bạn GIANG ghé thăm ngôi nhà của tôi. Bạn là một trong những vị khách đầu tiên đến chơi "nhà" tôi đấy. Tôi cũng rất mong mình xây dựng được một Blog hữu ích và thú vị, gần gũi để được đón chào nhiều bạn đến với Ngôi nhà chung này. Blog đang trong thời gian xây dựng và tôi đang cố gắng dành nhiều thời gian để các trang mục được đầy đủ thông tin hơn; Rất mong được sự ủng hộ của bạn và nhiều bạn nữa.Webite: nguoikhiemthinh.com trước đây tôi cũng đã nhiều lần khóc khi truy cập, bạn hiểu lòng chân tình qua câu nói này của tôi chứ? Tôi sẽ gửi Email cho bạn những mong sự liên hệ giữa chúng ta được thường xuyên hơn.
Chào thân ái!

Post a Comment